Tiếp nối những kết quả tích cực của quý I/2024, trong 4 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế cả nước có nhiều điểm nhấn dù trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định sự hiệu quả của các chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ với quyết tâm thực hiện cao nhất các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
Dù sản xuất nông nghiệp trong tháng Tư diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở mức cao tại Đồng bằng sông Cửu Long song sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tính đến ngày 15/4/2024, cả nước gieo cấy được 2.948,6 nghìn ha lúa Đông Xuân, giảm 2,5 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Song do thực hiện tốt công tác chăm sóc ngay từ khi gieo cấy nên hầu hết diện tích lúa Đông Xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam thu hoạch 1.612 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 85,2% diện tích gieo trồng và bằng 102,0% so cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.423,9 nghìn ha, chiếm 95,7% và bằng 100,6%.
Cũng tính đến giữa tháng Tư, các địa phương phía Nam gieo cấy được 553,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 130,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 544,8 nghìn ha, bằng 131,2%. Tiến độ gieo cấy lúa hè thu nhanh hơn cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương thu hoạch sớm vụ lúa đông xuân.
Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, một số trang trại nuôi gà thịt kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Đàn lợn có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt lợn hơi tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng đạt kết quả tích cực. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 2.713,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.996,3 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 297,6 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 420 nghìn tấn, tăng 2,3%./.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc, IIP ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%, đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 6,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,6% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,7%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương trên cả nước. Top 10 địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất cả nước là: Trà Vinh (94,1%), Khánh Hòa (55,0%), Phú Thọ (28,6%), Bắc Giang (24,0%), Thanh Hóa (17,1%), Hà Nam (14,9%), Hải Dương (14,3%), Bình Phước (13,9%), Hải Phòng (13,7%), Tây Ninh (13,5%).
Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Phú Thọ có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 29,6%; Bắc Giang tăng 24,1%; Hà Nam tăng 15,5%; Bình phước tăng 15,2%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Khánh Hòa tăng 593,5%; Trà Vinh tăng 144,7%; Thanh Hóa tăng 30%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước là: Thép thanh, thép góc tăng 35,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 25,1%; phân U rê tăng 23,0%; thép cán tăng 16,9%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,7%; sơn hóa học tăng 13,9%; sữa bột tăng 11,8%; điện sản xuất tăng 11,4%.
Kinh tế cả nước 4 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm nhấn
Sức khỏe cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục hồi phục
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức, từ đầu năm đến nay, Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt liên tục đưa ra những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Điển hình như Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024... Nhờ đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng, thể hiện sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp đang dần hồi phục.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 51,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 508 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 353,8 nghìn lao động, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 9,3% về vốn đăng ký và tăng 6,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 29,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2024 lên 81,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, có 507 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; 12,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4%; 38,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 3,2%.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 4 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước với 60,9 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh cần phát huy hiệu quả hơn nữa.
Vốn FDI rót mạnh vào Việt Nam
Bất chấp nhiều khó khăn kinh tế toàn cầu, vốn FDI vẫn được xem là “cơn gió thuận” đối với Việt Nam bởi chính sách cải thiện môi trường kinh doanh cùng các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 966 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký điều chỉnh có 345 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,23 tỷ USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 902 lượt với tổng giá trị góp vốn 929,6 triệu USD, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 740,2 triệu USD, chiếm 10,4%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 10,3%; Đài Loan 512,3 triệu USD, chiếm 7,2%.
Một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế cả nước là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bốn tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD
Mặc dù tình hình thế giới vẫn còn những bất ổn, song mối lo kinh tế thế giới lâm vào suy thoái dường như được loại bỏ, tiêu dùng toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm 2024 đã có những khởi sắc, đưa cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức cao.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm nay có tới 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%. Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ước đạt 1,73 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng giá trị xuất khẩu. Đứng thứ hai là nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 108,27 tỷ USD, chiếm 87,5%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 10,96 tỷ USD, chiếm 8,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 2,68 tỷ USD, chiếm 2,2%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%). Nhóm hàng tư liệu sản xuất có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn nhất ước đạt 108,33 tỷ USD, chiếm 94%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,7%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 6,91 tỷ USD, chiếm 6%.
Về thị trường xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 41,6 tỷ USD.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu cùng kỳ năm trước chỉ xuất siêu 7,66 tỷ USD. Trong 8,4 tỷ USD xuất siêu, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 29,6 tỷ USD tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 209 triệu USD, giảm 41,8%. Ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỷ USD, tăng 41,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,7 tỷ USD, tăng 2,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,6 tỷ USD, tăng 47,1%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh
Để hiện thực hóa mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành du lịch trong năm 2024 đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt du khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 850 nghìn tỉ đồng, trong những tháng đầu năm nay, ngành du lịch Việt Nam đã tăng cường hoạt động liên kết trong phát triển du lịch, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động liên kết, phát triển điểm đến xanh – bền vững; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam để nâng cao năng lực trạnh tranh thu hút khách trong và ngoài nước; tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu về du lịch trên các nền tảng số dùng chung; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong du lịch gắn với chuyển đổi số; có các chính sách thị thực thông thoáng với thủ tục đơn giản, thuận tiện giúp Việt Nam trở nên thân thiện hơn trong mắt các du khách quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong cả nước có các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn. Những yếu tố trên đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 5,2 triệu lượt người, chiếm 83,7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 1,6 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 856,9 nghìn lượt người, chiếm 13,8% và gấp 2,3 lần; bằng đường biển đạt 151,5 nghìn lượt người, chiếm 2,5% và gấp 3,4 lần.
Theo số liệu Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khu vực châu Á và châu Âu là động lực chính cho tăng trưởng khách quốc tế 4 tháng đầu năm với mức tăng trưởng lần lượt là 77,2% và 63,8%.
Tiêu dùng trong nước diễn ra sôi động
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%).
Tính riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,8%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng cao như: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,4%; Cần Thơ tăng 7,8%; Bình Dương tăng 7,7%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 237,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bốn tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 23,2%; Quảng Ninh tăng 22,3%; Hải Phòng tăng 14,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,6%; Hà Nội tăng 12,5%; Cần Thơ tăng 9,1%.
Doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bốn tháng đầu năm 2024 của một số địa phương tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước như: Khánh Hòa tăng 158,5%; Đà Nẵng tăng 98,5%; Bình Định tăng 60,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 58,7%; Cần Thơ tăng 57,7%; Hà Nội tăng 49,0%; Quảng Ninh tăng 16,5%; Bình Dương tăng 14,7%.
Những kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm sẽ là hành trang và là động lực để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như Nghị quyết 103/2023/QH15 đã đề ra./.
Những con số nổi bật trong bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm 2024
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tính tăng 6,0% Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới: 51,6 nghìn doanh nghiệp Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới 966 dự án với số vốn đăng ký đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD Khách quốc tế đến nước ta đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% |
P.V
Trang web cá cược Joker Wild