Cơ hội đan xen với thách thức
Mỗi cuộc CMCN diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực, việc làm. Và cũng giống như ba cuộc CMCN trước đó, CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc tăng năng suất lao động dẫn tới tăng thu nhập, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là việc mở cửa thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới.
Mỗi cuộc CMCN diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực, việc làm. Và cũng giống như ba cuộc CMCN trước đó, CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc tăng năng suất lao động dẫn tới tăng thu nhập, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là việc mở cửa thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, CMCN 4.0 với sự xuất hiện của công nghệ cao, máy móc thông minh, robot có trí tuệ nhân tạo... sẽ tác động làm thay đổi lớn đến thị trường lao động và việc làm trên nhiều góc độ khác nhau. Những lĩnh vực dựa vào lao động thủ công, những ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử hay những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, các thao tác như cắt, may thì máy móc đều có thể thay thế được. Công nghệ 4.0 có thể làm việc liên tục 24/24h, robot có thể thay thế đối với ngành lắp ráp điện tử, tư vấn, chăm sóc khách hàng sẽ được trả lời bằng robot tự động. Hay như trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có robot nông nghiệp, người nông dân thay vì phải làm việc trên cánh đồng thì giờ đây sẽ trở thành những người quản lý chính cánh đồng của mình. Như vậy, tác động của CMCN 4.0 đối với việc làm sẽ là sự dịch chuyển từ sản xuất thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức và thâm dụng công nghệ.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Còn một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0. ILO cảnh báo, trong 10 năm tới, khoảng 70% số việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông ở Việt Nam như da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản, dịch vụ bán lẻ (riêng ngành dệt may là khoảng 86%)... có rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc và thiết bị hiện đại. Cũng theo dự báo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong tương lai, một số ngành nghề ở Việt Nam sẽ biến mất do tác động của cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, tích cực hơn, CMCN 4.0 sẽ tạo thêm ngành nghề, việc làm mới mà người máy hay robot không thể đáp ứng được. Điều đó đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, trình độ cao mới có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo dự báo, tới năm 2025, có tới 80% công việc sẽ là những công việc mới mà chưa từng có ở thời điểm hiện nay.
Tại Việt Nam, CMCN 4.0 với nền tảng là công nghệ và kỹ thuật đã và đang mang lại những cơ hội và thách thức không nhỏ cho sự phát triển của thị trường lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), quy mô dân số Việt Nam hiện đang đạt trên 95 triệu người và đang trong thời kỳ dân số vàng; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I năm 2019 ước tính là 55,4 triệu người, chiếm hơn 50% tổng dân số. Số liệu cho thấy, Việt Nam đang có nguồn nhân lực khá dồi dào và lực lượng lao động trẻ, năng động, ham học hỏi, có thể nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ mới. Đây là một trong những lợi thế cho thị trường lao động Việt Nam trong thời kỳ CMCN 4.0.
Lực lượng lao động Việt Nam năm 2017 phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của Việt Nam cũng có thể được xem là thế mạnh trong quá trình CMCN 4.0. Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm quý IV năm 2017 của TCTK, Việt Nam có gần 12 triệu nhân lực đã qua đào tạo, có trình độ từ đào tạo nghề trở lên, trong đó nhân lực có trình độ từ đại học trở lên có khoảng hơn 5 triệu người, chiếm 44% trong tổng số nhân lực đã qua đào tạo.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo còn chiếm một tỷ lệ khá cao trong lực lượng lao động cả nước (78,3%). Lực lượng lao động hiện nay của Việt Nam mới chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung dẫn đến thiếu hụt lao động chất lượng cao. Đây thực sự là rào cản, hạn chế lớn của nhân lực Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0. Đồng thời, những hạn chế này đã đưa đến nhiều hệ lụy khác như: Năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh cũng như giá trị nguồn nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động không cao.
Số liệu của TCTK cho thấy, số lao động làm các nghề giản đơn chiếm tỷ lệ cao nhất (37-40%), tỷ lệ lao động làm công việc chuyên môn kỹ thuật bậc cao chỉ dao động trong khoảng 6-7%. Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, trong 9 ngành kinh tế, có tới 50-88% người sử dụng lao động báo cáo có vấn đề về tuyển dụng do thiếu các ứng viên có tay nghề. Một số ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo, hoặc trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, kiểm toán đang thiếu hụt nhân lực ở phân khúc cao. Dự báo, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu hụt lượng lớn lao động về công nghệ thông tin, chuyên viên cao cấp, CEO khi nguồn nhân lực trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 60-70% nhu cầu của thị trường. Điều này là thách thức rất lớn đối với nguồn nhân lực ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ lao động tại Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây lại là yếu tố quyết định trong CMCN 4.0. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có rất ít doanh nghiệp Việt Nam thực hiện R&D (nghiên cứu và phát triển), hoặc nếu có thì kinh phí cho các hoạt động R&D chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nguồn tài chính của doanh nghiệp. Các số liệu thống kê về R&D và các thông tin liên quan thường phân mảng, lạc hậu và không tương thích với tiêu chuẩn quốc tế.
Một hạn chế nữa của thị trường lao động Việt Nam hiện nay là năng suất lao động còn thấp dù đã có nhiều cải thiện qua các năm. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 4,3% của Indonesia; 55% của Philippines. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Năng suất lao động thấp được xem như là một hệ quả tất yếu của chất lượng nguồn lao động thấp và năng lực đổi mới sáng tạo yếu. Do đó, nâng cao năng suất lao động là đòi hỏi cấp bách để thị trường lao động trong nước phát triển, đáp ứng những yêu cầu mới của nền kinh tế dưới ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0.
Giải pháp phát triển thị trường lao động
Để nắm bắt thời cơ và giải quyết những áp lực đang đặt ra đối với thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở đó, cần có các chính sách phù hợp để khuyến khích nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo của người lao động cũng như tạo các điều kiện về chính sách, hạ tầng kỹ thuật cần thiết để thị trường lao động phát triển đủ khả năng kết nối với thị trường lao động thế giới.
Nhóm giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Một là, thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường lao động chất lượng cao. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp luật cho thị trường lao động phát triển theo hướng phù hợp với quy luật của thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia vào thị trường lao động, nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhà nước cần hoàn thiện khung khổ pháp luật cho thị trường lao động phát triển. Cần xây dựng và hoàn thiện các luật như: Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Quan hệ lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thất nghiệp, Luật D??y nghề... phù hợp với quy luật của thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia vào thị trường lao động, nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét và phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế liên quan đến thị trường lao động.
Tạo sự kết nối với thị trường lao động quốc tế, trong đó, trước mắt cần tập trung thiết lập hệ thống thúc đẩy sự lưu chuyển của lao động có kỹ năng trong ASEAN, tạo lập thông tin về thị trường lao động, thường xuyên cập nhật và phổ biến hiệu quả.
Hai là, điều chỉnh, cơ cấu lại lực lượng lao động. Quan tâm, giải quyết và phân luồng “mạnh” lực lượng lao động vào tuổi; đào tạo và đào tạo lại người lao động đang làm việc nhưng có nguy cơ mất việc, sa thải, đặc biệt ở các lĩnh vực: giày da, dệt may, công nghệ.
Cần làm tốt công tác dự báo cung - cầu lao động trong khối giáo dục nghề nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các chính sách hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhà nước cần tạo ra hệ thống pháp lý thúc đẩy nhân tố mới, khuyến khích nhân tố mới, để sự sáng tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn với đó là việc tạo ra nghề mới, việc mới và cách thức hỗ trợ DN để chi phí chuyển đổi là nhỏ nhất.
Xử lý tốt mối quan hệ giữa tự động hóa và bảo đảm việc làm, trước hết, đào tạo và giáo dục cần phản ánh nhu cầu của nền kinh tế; xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho người thất nghiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cải cách để bảo vệ người lao động trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tự động hóa. Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề. Xây dựng nền giáo dục theo hướng“chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”; Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học; Cải cách mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục và đào tạo; Đổi mới các chương trình đào tạo từ bậc phổ thông cho đến d??y nghề và đào tạo trong các trường đại học trên tinh thần tương thích với một khung trình độ, trước hết là của ASEAN, sau đó là khung trình độ quốc tế; Chú trọng hơn vào đào tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng mềm. Đặc biệt, trong đào tạo nghề, cần đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận bị mất việc do áp dụng công nghệ mới; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các trường d??y nghề và đào tạo chuyên nghiệp. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng và d??y nghề trong cả nước.
Bên cạnh đó, cần trang bị nhiều hơn những kỹ năng và trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm như tự quản lý và tự tổ chức, kỹ năng giao tiếp, tương tác và giải quyết vấn đề, quản lý dự án... Đây là những kỹ năng rất quan trọng của người lao động trong CMCN 4.0.
Nhóm giải pháp nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo của lực lượng lao động
Nhà nước cần đẩy mạnh quá trình hoàn thiện thể chế về đổi mới, sáng tạo như khung khổ pháp luật về doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh và các điều kiện tiếp cận tài chính... Các khung khổ pháp luật này cần được hoàn thiện và có tính ổn định để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhà nước thông qua các công cụ như hỗ trợ vốn trực tiếp hoặc ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện R&D.
Chính phủ cần thúc đẩy thực hiện những chính sách thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và tạo điều kiện để các hoạt động này lan tỏa sang các doanh nghiệp trong nước. Cần khuyến khích các chương trình hợp tác công - tư về R&D và đổi mới sáng tạo nhằm tập trung và tận dụng nguồn lực, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu nhà nước với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Nhóm giải pháp tăng cường sự kết nối cung - cầu cho thị trường lao động
Phát triển hệ thống cung cấp thông tin định hướng nghề nghiệp, hệ thống dịch vụ việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng nắm bắt thông tin và kết nối với nhau. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc kết nối cung - cầu lao động trong nước và quốc tế.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại CMCN 4.0. Quá trình này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển, mang tới nhiều việc làm, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với thị trường lao động nước ta. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng tốt tiềm năng và lợi thế, đồng thời có chính sách đổi mới trong đào tạo, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực thì thị trường lao động Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động, thích ứng được với CMCN 4.0./.
ThS. Phạm Thị Thu Hiền
Đại học Công nghiệp Hà Nội
Đại học Công nghiệp Hà Nội
Trang web giải trí Caishenniu